Hiệu ứng Leidenfrost : phép lạ đi trên lửa
Chứng kiến một thầy pha-kia Ấn Độ đi trên than hồng bốc khói làm không ít du khách nước ngoài vừa sợ vừa cảm phục. Không riêng gì du khách mà ngay dân làng địa phương dù thuộc loại cả tin hay bán tín bán nghi cũng ngưỡng mộ phép lạ này mà người thực hiện cả quyết là do lòng tin tôn giáo.Ngay tại đảo Réunion, một tỉnh hải ngoại của nước Pháp, vào mùa đông Nam bán cầu, chương trình thu hút đông đảo khách tham dự nhất trong ngày lễ tôn giáo của dân gốc Ấn cũng là « thuật đi trên lửa ».
Nhiều người không tin vào cách lý giải nhờ đức tin tôn giáo mà sức nóng của lửa không chạm đến đôi chân. Họ cho rằng « bí kíp » của người đi trên lửa là « thuốc » pha trong nước rửa chân.
Thật ra thì nghệ thuật đi trên lửa đơn giản hơn nhiều. Cả hai giải thích trên đều sai vì người biểu diễn không cần phải là thầy pha-kia hay tín đồ có đức tin sắt thép gì cả, mà cũng chẳng có thuốc chống bỏng. Không biết , con người khám phá ra thuật đi trên lửa từ lúc nào, nhưng thuật này dựa trên một hiện tượng vật lý được gọi là hiệu ứng Leidenfrost, tên của nhà khoa học, thần học, y sĩ Đức Johann Gottlob Leidenfrost, người đầu tiên vào thế kỷ 18, giải thích hiện tượng giọt nước nhảy lên trong một chiếc chảo thật nóng . Nhà khoa học Đức chào đời năm 1715 và qua đời năm 1794.
Một cách đơn giản, nếu chảo nóng dưới 100°C thì giọt nước bốc hơi từ từ. Nếu nhiệt độ trên 100°C thì giọt nước bốc hơi nhanh chóng. Ngược lại, nếu nhiệt độ của chảo trên 160°C, còn gọi là trên điểm Leidenfrost, thì khi ta cho giọt nước vào chảo, giọt nước thay vì biến mất thì chạy vòng trên đáy chảo. Nguyên do là chỉ có phần chạm đáy chảo bốc hơi và biến thành một lớp khí dày độ 0,1 mm. Lớp khí này nâng giọt nước lên và làm chất cách nhiệt bảo vệ giọt nước không bị sức nóng thiêu đốt.
Hiệu ứng Leidenfrost được dùng để giải thích khá nhiều hiện tượng như đi trên than hồng, nhúng tay vào chất ni-tơ hóa lỏng với nhiệt độ âm -160°C mà không bị bỏng.
Trong trường hợp đi trên lửa, nếu có dịp chứng kiến tận mắt, thính giả hãy để ý sau khi cầu nguyện và trước khi bước lên đám than rực đỏ, người biểu diễn phải rửa chân cho thân thể được tinh khiết. Trong nước rửa chân chỉ có… nước. Lớp nước này khi chạm vào than hồng sẽ tạo ra phản ứng cách nhiệt, với điều kiện là người đi trên lửa không được dừng chân ngoạn cảnh.
Hiệu ứng này cũng lý giải câu chuyện của người hùng Michel Strogoff, trong quyển tiểu thuyết cùng tên, bị người Thát Đát tra tấn dí dao nung lửa vào mắt, nhưng đôi mắt của người hùng vẫn sáng. Đó là nhờ nước mắt chạm nhiệt trên 160°C, tạo ra hiệu ứng Leidenfrost ngăn nhiệt.
Theo : RFI
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
I offer this blog to you and please give me comments
Tôi tặng blog này cho các bạn và các bạn hãy tặng tôi comments